Vùng mỏ Quảng Ninh không chỉ nổi danh với những vỉa than sâu hun hút, mà còn là nơi hun đúc nên một trong những truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường và sáng tạo nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ những năm cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp coi việc chiếm, khai thác vùng mỏ Quảng Yên, Hòn Gai, Cẩm Phả là một mục tiêu trọng điểm. Tháng 3/1883, chúng đánh chiếm và thiết lập bộ máy cai trị ở khu mỏ, đặt bản doanh quân sự tại Móng Cái. Cũng từ đây, cuộc đấu tranh giành tự do của nhân dân Quảng Ninh đã khởi phát, lan rộng rồi phát triển mạnh mẽ trong suốt 72 năm ròng rã, cho tới ngày 25/4/1955, khu mỏ Hồng Quảng được hoàn toàn giải phóng.
Vùng mỏ bất khuất
Ngày 12/3/1883, sau khi đánh chiếm thành Hà Nội trong cuộc xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, 500 quân Pháp, dưới sự chỉ huy của viên đại tá hải quân Henri Rivière đã đánh chiếm khu mỏ Hòn Gai, đặt bản doanh quân sự tại Móng Cái, mở đầu cho 72 năm chúng chiếm đóng và khai thác than ở Quảng Ninh.
Ngay từ khi thực dân Pháp chiếm đóng Quảng Ninh, lòng căm phẫn và tinh thần đấu tranh của người dân Vùng mỏ đã bắt đầu âm ỉ bùng cháy. Trong thời gian từ năm 1885 đến 1895, khi phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong cả nước, nhất là phong trào “Cần Vương” dấy lên mãnh liệt ở miền Bắc thì ở Quảng Ninh các cuộc khởi nghĩa chống Pháp cũng liên tục nổi lên, bền bỉ, rộng khắp.
Cảnh công nhân vào ca làm việc tại mỏ than Hòn Gai năm 1929. Bìa phải ảnh có cai Tây đứng theo dõi. Nguồn: Flick/Mạnh Hải
Đặc biệt, trong những năm 1930 – 1936, phong trào đấu tranh của công nhân Vùng mỏ phát triển mạnh mẽ. Từ đấu tranh tự thân đến đấu tranh tự phát, và phát triển lên đến đấu tranh tự giác khi phong trào đấu tranh của những người thợ mỏ có sự soi đường, chỉ lối của Đảng Cộng sản. Ngày 23/2/1930, Chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Quảng Ninh được thành lập tại khu mỏ Mạo Khê (Chi bộ ra đời chỉ 21 ngày sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930).
Sẵn có lòng yêu nước, có tinh thần đấu tranh chống lại chủ mỏ Pháp, lại được sự lãnh đạo, hướng dẫn của tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân, lao động Vùng mỏ đã có bước phát triển mới. Từ tháng 3 tới tháng 10/1930, ở các khu mỏ đã diễn ra trên 20 cuộc đấu tranh thu hút đông đảo công nhân tham gia. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà sàng Cửa Ông nổ ra ngày 8/4/1930 với các yêu cầu: chống đuổi thợ, chống đánh đập, giảm giờ làm ca đêm, tăng tiền lương 20% và bọn chủ mỏ phải chấp nhận tăng lương cho công nhân. Cuộc đấu tranh thắng lợi đã cổ vũ phong trào công nhân toàn khu mỏ, mở đầu cho cuộc đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 – 1931. 
Dấu tích cảng rót than xuống tàu tại mỏ Kế Bào - một trong những mỏ than được khai thác sớm nhất ở Quảng Ninh.
Đỉnh cao là cuộc tổng bãi công của 3 vạn công nhân và nhân dân lao động Vùng mỏ vào đêm ngày 12/11/1936. Hàng nghìn công nhân đình công, ngừng vận hành máy móc, rời khỏi hầm lò, xuống đường biểu tình. Họ đưa ra một loạt yêu sách: Tăng lương, giảm giờ làm; cải thiện chế độ ăn uống, y tế; chấm dứt hành vi đánh đập, xúc phạm công nhân… Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cách mạng, các đoàn công nhân đoàn kết thành hàng ngũ, giữ nghiêm kỷ luật, không manh động, không đập phá với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” vang lên như một mệnh lệnh chiến đấu và một bản tuyên ngôn đoàn kết. Dù phải đối mặt với sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, cuộc tổng bãi công năm 1936 vẫn buộc chủ mỏ phải nhượng bộ một phần yêu sách: tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động. Quan trọng hơn cả, nó đánh dấu một bước trưởng thành về nhận thức và tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Phong trào không chỉ là cuộc đấu tranh "cơm áo" mà còn là cột mốc gắn bó chặt chẽ giữa công nhân với lý tưởng giải phóng dân tộc, đặt nền móng cho những cuộc tổng khởi nghĩa sau này.
Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn phản công chiến lược, khi quân dân ta trên cả nước chuyển từ thế phòng ngự sang thế chủ động tấn công. Quảng Ninh, với vị trí đặc biệt quan trọng — nơi có cảng biển, tuyến đường than chiến lược, các mỏ than lớn và các khu vực phát triển công nghiệp như Hòn Gai, Cẩm Phả, Mạo Khê, Uông Bí — tiếp tục trở thành một trong những mục tiêu trọng yếu của Pháp. Cùng lúc, phong trào chiến tranh du kích ở Quảng Ninh phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Trong suốt năm 1950, quân và dân Quảng Ninh đã tổ chức hơn 300 trận đánh lớn nhỏ, phá hủy hơn 50 xe quân sự, làm tê liệt nhiều tuyến vận tải, tiêu diệt hàng trăm lính Pháp, buộc địch phải co cụm vào các đồn bốt lớn.
Không chỉ có bộ đội, dân quân du kích mà công nhân Vùng mỏ cũng phát huy tinh thần “biến nhà máy thành chiến trường, biến hầm mỏ thành pháo đài.” Công đoàn mỏ Hòn Gai đã tổ chức hàng loạt nhóm phá hoại bí mật, phá hỏng máy móc, đầu máy, toa xe vận chuyển than của địch. Theo ghi nhận của công đoàn, chỉ riêng quý III năm 1950, các đội phá hoại đã làm tê liệt toàn bộ hoạt động khai thác của mỏ Hòn Gai trong nhiều tuần lễ, phá hủy 22 đầu máy, hàng trăm toa xe.
Những hành động đó không chỉ trực tiếp làm sụp đổ kế hoạch vận chuyển than phục vụ chiến tranh của Pháp mà còn chứng minh khí phách quật cường và sáng tạo của giai cấp công nhân Vùng mỏ.
Những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng là giai đoạn quân và dân Quảng Ninh phát huy tinh thần hậu phương “Quyết chiến, quyết thắng” mãnh liệt nhất. Hưởng ứng chủ trương tổ chức, động viên của Đảng, Bác Hồ, với tinh thần "Tất cả vì mặt trận", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", hàng trăm người con ưu tú đất Mỏ - Quảng Ninh đã nô nức lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm "bạt rừng xẻ núi", mở hàng trăm km đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích. Theo báo cáo của Ban Cung cấp tỉnh, trong năm 1954, Quảng Ninh đã hoàn thành 118% chỉ tiêu huy động vận tải, trở thành một trong những tỉnh có đóng góp hậu cần lớn nhất cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Nhằm phối hợp với chiến trường chính và căn cứ vào tương quan lực lượng giữa ta và địch ở vùng Đông Bắc, các Đảng bộ Quảng Yên, Hải Ninh và Đặc khu Hòn Gai chủ trương kìm chân quân địch trên khắp các địa bàn; bao vây, cô lập, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch, luồn sâu đánh chắc; khi có điều kiện sẽ tiến công giải phóng đất đai.
Đại đội 54, bộ đội tỉnh Hải Ninh trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu
Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, phong trào tìm địch mà đánh diễn ra sôi nổi trên khắp các địa bàn của tỉnh. Ở tỉnh Quảng Yên, bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục tiến công quân địch, đã đánh 400 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu trên 3.500 tên địch. Riêng tiểu đoàn Bạch Đằng đã đánh 23 trận, có hiệu suất tiêu diệt địch rất cao. Với cách đánh cơ động, linh hoạt, vận động nhanh, chỉ trong hai đêm tiểu đoàn đã tiêu diệt bốn vị trí quân sự của địch. Qua chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, tiểu đoàn đã diệt 766 tên địch, bắt sống 324 tên (trong đó có 1/4 là lính Âu Phi), thu 523 súng các loại.
Trong Đông Xuân 1953-1954, quân dân tỉnh Quảng Yên kêu gọi được 1195 lính ngụy đào ngũ. Các mặt công tác khác của tỉnh cũng có nhiều thành tích trong đó nổi bật là thành tích huy động dân công đi phục vụ tiền tuyến. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1954, đã có 10.253 lượt người (phần đông ở vùng địch hậu) đi phục vụ cho chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 30 tháng 5 năm 1954, Hội đồng thi đua của Liên khu Việt Bắc đã quyết định tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tỉnh Quảng Yên và tặng cờ “Tiểu đoàn gương mẫu Liên khu” cho tiểu đoàn Bạch Đằng.
Ở Đặc khu Hòn Gai, trong Đông Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang của Đặc khu chỉ có 3 trung đội, nhưng đã đánh 68 trận (trung bình 3 ngày 1 trận) diệt 164 tên địch; làm bị thương 77 tên, thu 35 súng, 4 xe quân sự, phá hủy 2 xe khác.
Ở tỉnh Hải Ninh, tháng 2 năm 1954, bộ đội địa phương tỉnh đã tập kích bốt Hồ Thính Coóng, tiến công đồn Thán Phún, địch phải rút quân ở các vùng cao, tập trung xuống các thị trấn ven quốc lộ, ven biển; chuẩn bị rút chạy.
Các Đảng bộ tỉnh Quảng Yên, tỉnh Hải Ninh và Đặc khu Hòn Gai đã chủ trương phát động một phong trào quần chúng gọi con em đi lính ngụy trở về; chú trọng giáo dục cho ngụy quân, ngụy quyền và gia đình họ về chính sách khoan hồng của Chính phủ. Nhờ chủ trương kịp thời đúng đắn đó, phong trào đấu tranh chống bắt lính và địch ngụy vận đã diễn ra sôi nổi. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, quân và dân 3 tỉnh đã làm tan rã một mảng lớn lực lượng vũ trang của địch.
Thắng lợi to lớn của chiến cuộc Đông Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ có phần đóng góp xứng đáng của nhân dân 3 tỉnh Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Ninh, đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngọn lửa soi sáng con đường phía trước
Nhìn lại suốt 72 năm lịch sử dưới ách chiếm đóng của thực dân Pháp, từ những ngày đầu của thế kỷ XX cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, có thể nói quân và dân Quảng Ninh đã viết nên một bản anh hùng ca hiếm có — nơi hội tụ đầy đủ phẩm chất của người Việt Nam trong thời đại mới: yêu nước, kiên cường, sáng tạo, bất khuất.
Từ những hầm lò tối tăm của Mạo Khê, Hòn Gai, Cẩm Phả, nơi những người thợ mỏ đầu tiên hun đúc tinh thần đấu tranh cách mạng từ những năm 1926, cho tới chiến khu Trần Hưng Đạo, các trận đánh tại Nà Thuộc (tỉnh Hải Ninh), Uông Bí, phá hoại hậu cần địch, hỗ trợ tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ — tất cả đã hợp thành một chuỗi những chiến công nối tiếp, minh chứng cho ý chí sắt đá không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.
Bức trướng "Ủng hộ kháng chiến" Bác Hồ thay mặt Chính phủ tặng cho Thành hoàng làng Pò Háng, huyện Đình Lập (khi ấy thuộc tỉnh Hải Ninh, nay thuộc Lạng Sơn) năm 1948, hiện trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 đã đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và cũng là tín hiệu báo trước ngày giải phóng hoàn toàn của Vùng mỏ Quảng Ninh.
Theo tinh thần của Hiệp định Giơ-ne-vơ ký ngày 21 tháng 7 năm 1954, quân đội Pháp buộc phải rút khỏi miền Bắc trong vòng 300 ngày. Trong khi tỉnh Hải Ninh đã hoàn toàn giải phóng, thì Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên hầu hết nằm trong khu vực tập kết 100 ngày và 300 ngày của quân đội Pháp trước khi chúng rút lui. Tỉnh Quảng Yên có hai khu vực tập kết: Huyện Nam Sách, và hầu hết các huyện Chí Linh, Kinh Môn và một phần của huyện Đông Triều (từ Mạo Khê trở về phía Phả Lại) nằm trong khu vực tập kết 100 ngày. Các huyện: Cát Hải, Thuỷ Nguyên, Yên Hưng của tỉnh Quảng Yên và hầu hết Đặc khu Hòn Gai nằm trong khu vực 300 ngày.

Trong 300 ngày ấy, Vùng mỏ như một đại công trường của niềm tin. Những lá cờ đỏ sao vàng được cất giữ cẩn thận, những cuốn sổ tay ghi chép danh sách những người có công với kháng chiến được chuẩn bị, những đứa trẻ lần đầu tiên được cha mẹ kể cho nghe về ngày mai tươi sáng — khi đất nước không còn bóng quân xâm lược.
Và rồi, vào những ngày cuối cùng của thời hạn 300 ngày, lần lượt từng khu vực của Quảng Ninh đã được bàn giao. Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời mỏ Hòn Gai, Uông Bí, Cẩm Phả, Mạo Khê — không khí vui mừng vỡ oà. Nhân dân từ các khu mỏ, làng quê, phố thị đổ ra đường, tay cầm cờ hoa, nước mắt chan hoà niềm vui đoàn tụ. Những cụ già tóc bạc đã chờ suốt cả một đời, những người mẹ mặc áo nâu sờn rách ôm chầm lấy con, không nói nên lời, vì giấc mơ tự do cuối cùng đã thành hiện thực.
70 năm sau ngày giải phóng Vùng mỏ, dẫu khói lửa chiến tranh đã lùi xa, những hầm mỏ u tối đã trở thành những nhà máy hiện đại, và Quảng Ninh đã vươn mình trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động nhất cả nước, nhưng tinh thần kiên cường, bất khuất của những người dân Vùng mỏ vẫn còn nguyên vẹn.
Lịch sử đã sang trang, nhưng giá trị của những hy sinh, những chiến công ấy vẫn là ngọn lửa soi sáng con đường phía trước, để mỗi người Quảng Ninh hôm nay và mai sau hiểu rằng: Vùng mỏ không chỉ có than, mà còn có những con người bất khuất, trung kiên, sẵn sàng viết tiếp những trang sử vẻ vang, dù trong thời chiến hay thời bình.
Link gốc: https://baoquangninh.vn/72-nam-dau-tranh-ben-bi-va-anh-dung-3353339.html
Nguồn: Báo Quảng Ninh