TUẦN LỄ TIÊM CHỦNG THẾ GIỚI: “CHUNG TAY CÙNG TIÊM CHỦNG – ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH”
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 4, nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng vắc xin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm và được công nhận là một trong những can thiệp y tế thành công nhất trên thế giới. Mục tiêu cuối cùng của Tuần lễ tiêm chủng thế giới nhằm truyền thông việc tiêm chủng đến toàn dân tạo miễn dịch cộng đồng để bảo vệ người dân phòng, chống dịch bệnh bằng vắc xin, giúp người dân có cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng là một sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra năm 1974, đây là một nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng các loại vắc xin cứu sống mọi trẻ em trước các bệnh truyền nhiễm, bất kể vị trí địa lý hay tình trạng kinh tế xã hội.
Việt Nam thông qua TCMR vào năm 1981. Hiện nay, chương trình TCMR nước ta cung cấp các loại vắc xin phòng được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm bao gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, bệnh tả (vùng có nguy cơ cao) và thương hàn (vùng có nguy cơ cao).
Vắc xin là chế phẩm sinh học, được dùng cho cả trẻ em và người lớn để bảo vệ cơ thể trước những bệnh nguy hiểm có khả năng gây tử vong. Hiện nay đã có gần 30 bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng được bằng vắc xin.
![]()
Vắc xin chứa kháng nguyên (vi rút/vi khuẩn sống giảm độc lực/bất hoạt, tế bào của vi rút/vi khuẩn,…) kích thích cơ thể tạo miễn dịch chủ động, như một tấm “lá chắn” đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh. Từ đó, nếu vi rút hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể người đã tiêm vắc xin, hệ miễn dịch của họ sẽ nhận diện và biết cách chống lại loại vi rút/ vi khuẩn đó, giúp giảm số người mắc bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do mắc bệnh.
Từ đó còn giúp giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, đặc biệt giảm thời gian và công sức của bố mẹ do không phải chăm sóc trẻ bị bệnh, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên từ đó tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Ngoài các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ em, các loại vắc xin như vắc xin cúm, viêm màng não do não mô cầu, viêm gan B, ung thư cổ tử cung, phế cầu,… dùng được cho cả người lớn, bảo vệ sức khỏe toàn dân. Tóm lại, tiêm vắc xin là đầu tư cho sức khỏe, phát triển lâu dài của cá nhân và cộng đồng.
Giống như các loại thuốc khác, vắc xin dù tốt đến đâu cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc xin là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.
Phản ứng sau tiêm cũng có thể được phân loại thành phản ứng phổ biến, nhẹ như sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ hoặc phản ứng nghiêm trọng như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Hầu hết các phản ứng vắc xin là nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nghiêm trọng là rất hiếm gặp.
Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2025, với chủ đề: “Chung tay cùng tiêm chủng - Đẩy lùi dịch bệnh”, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên treo 20 băng rôn tuyên truyền tại 19 Trạm Y tế xã, phường, tổ chức phát thanh trên hệ thống loa xã, phường; tuyên truyền qua trang facebook, zalo… Tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn nhó, cấp phát tờ rơi phòng chống bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng.
![]()
Để chủ động phòng bệnh, nhất là đối với trẻ em cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm chủng không đầy đủ, đúng lịch sẽ dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Vì vậy khi có bất cứ lý do gì mà trẻ không được tiêm chủng đúng lịch thì cần đưa trẻ đi tiêm càng sớm càng tốt.
Đặc biệt hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc bệnh sởi, trong đó có nhiều trường hợp diễn biến nặng và thậm chí tử vong. Đáng chú ý, bệnh sởi không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ mà còn tấn công cả người lớn, đặc biệt là những người có bệnh nền hoặc chưa tiêm phòng đầy đủ.
![]()
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan qua đường không khí, với mỗi người bệnh có thể lây cho 10 người không có miễn dịch. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bao gồm viêm phổi, viêm não, và suy đa tạng. Để phòng ngừa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao như người mắc bệnh mạn tính, người trên 50 tuổi, và những người chưa rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm vắc-xin đầy đủ.
Việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Nếu bạn hoặc người thân chưa tiêm phòng hoặc không chắc chắn về tình trạng tiêm chủng, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời. Sức khỏe của bạn và cộng đồng phụ thuộc vào hành động này!